Hướng dẫn vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh sau khi bú

Khi trẻ bú bình hay bú mẹ ít nhiều cũng sẽ bị tình trạng nuốt 1 lượng không khí. Trẻ bú bình sẽ bị nuốt không khí nhiều hơn so với bú mẹ. Tình trạng này xảy ra sẽ khiến cho bé bị đầy hơi và cảm thấy khó chịu, dẫn đến biểu hiện khi đang bú bé sẽ quay mặt đi, quấy khóc, khó chịu hoặc ọc sữa, … Cùng Jan Kids tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ bị đầy hơi và cách xử lý nhé!

Nguyên nhân trẻ bị đầy hơi

Trẻ sơ sinh đặc biệt là 3 tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện và dạ dày của trẻ chỉ nhỏ xíu và chỉ chứa được khoảng 5-7ml sữa, sau 3 ngày tuổi, dạ dày của trẻ sẽ to hơn 1 chút và chứa được khoảng 22-27ml sữa.

Nguyên nhân khiến trẻ bị đầy hơi đó là:

Tư thế cho bé bú chưa đúng cách

Trẻ bú quá nhanh khiến cho cả sữa và không khí cùng đi vào dạ dày

Trong lúc bú hoặc khi bé khóc, bé há miệng ra sẽ nuốt thêm 1 lượng không khí vào.

Vì nuốt vừa sữa vừa không khí mà dạ dày bé xíu của trẻ trở nên căng tức, làm cho bé dễ bị nôn trớ, ọc sữa,…

Bên cạnh đó, do cấu trúc dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện, việc cho bé bú chưa đúng cách, lượng sữa cho bé bú trong mỗi cữ bú quá nhiều sẽ khiến cho trẻ dễ bị đầy hơi. Vì thế ngoài việc cho bé bú đúng tư thế, điều chỉnh lượng sữa sao cho phù hợp trong mỗi lần bú mẹ cần biết thêm cách vỗ ợ hơi để giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi ăn bú.

Cách vỗ ợ hơi cho bé đúng cách

Không phải lúc nào cũng cần phải vỗ ợ hơi cho trẻ, việc vỗ ợ hơi sẽ hiệu quả hơn khi thực hiện đúng lúc và đúng cách. Mẹ có thể vỗ ợ hơi cho bé khi bé bú được nửa bình sữa hoặc 1 bên vú mẹ. Sau mỗi lần bú bố mẹ cần vỗ ợ hơi cho trẻ và sau cái ợ hơi đầu tiên, bạn hãy vỗ ợ hơi cho trẻ thêm 5-10p nữa.

Khi vỗ ợ hơi cho trẻ, bạn có thể xoa lưng của trẻ theo hình tròn hoặc chụm bàn tay lại và vỗ vào lưng bé theo chiều từ dưới lên sao cho nghe thành tiếng bộp bộp. Đừng quên chuẩn bị 1 cái khăn sạch lót sẵn trên đùi hoặc trên vai để tránh bé nôn trớ sữa làm bẩn quần áo.

– Tư thế cho bé nằm sấp trên cánh tay của bạn, bạn cần có 1 cánh tay thật chắc khỏe để giữ cho con không bị té hay chao đảo. Để phần đầu của bé nằm cao hơn ngực rồi tiến hành vỗ ợ hơi  cho bé.
– Bế bé nằm trên ngực hoặc trên vai của bố hoặc mẹ, đặt sao cho đầu bé tựa vào vai và người của bé áp vào ngực của bạn, sau đó tiến hành vỗ ợ hơi cho bé.

– Cho bé ngồi vào lòng của bạn, để bé ngồi trên đùi của bạn, 1 tay giữ trẻ bằng cách cho lòng bàn tay nâng đỡ phần ngực còn cách ngón tay đỡ nhẹ phần cằm của bé. Tay còn lại tiến hành vỗ ợ hơi cho trẻ.

cach-vo-o-hoi-cho-tre-so-sinh-sau-khi-bu
               Ảnh minh họa 3 tư thế vỗ ợ hơi cho bé – Nguồn ảnh mạng

Cần lưu ý trong quá trình vỗ ợ hơi, bạn cần giữ lưng của bé thẳng, giữ phần cổ và đầu của bé cẩn thận do lúc này cơ thể của bé còn yếu.

Nếu sau vài phút vỗ ợ hơi mà không nghe con phát ra tiếng ợ, bạn hãy thử đổi tư thế khác. Nếu con vẫn chưa ợ bạn nên dừng lại vì có thể con không nuốt nhiều không khí nên không cần ợ.